PHỤNG VỤ - MỤC VỤ | Hỏi Đáp
Âm Nhạc Trong Phụng Vụ của FX Nguyễn Văn Tuyết
"Giáo hội luôn mời gọi cộng đồng tham gia một cách tích cực và năng động trong các Thánh lễ. Thánh ca trong phụng vụ đóng vai trò gì trong việc tham dự này?"

Nghe giọng đọc xin bấm vào địa chỉ sau:

https://youtu.be/gjUSqs4b-es

 

Theo thống kê mới đây của giáo hội Công Giáo Hoa kỳ, trong số những người được hỏi thì có 80% cho âm nhạc trong thánh lễ rất quan trọng, tuy nhiên chỉ có 13% là hoàn toàn hài lòng với bài thánh ca mà họ nghe và hát. Thánh ca trong các thánh lễ rất quan trọng, không chỉ vì việc hát solo bởi một ca viên hoặc ca đoàn, hoặc như một hậu cảnh để phụ thêm lời cầu nguyện của chúng ta, một phương tiện để tạo trong chúng ta một cảm xúc nhưng là sự thấm nhập vào việc thờ phượng của chúng ta.

Đức Thánh cha Phanxicô định nghĩa một cách rõ ràng mục đích của thánh ca trong Thánh Lễ. Ngài nói, “đó là vấn đề đầu tiên của việc tham dự chăm chú vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, xảy ra trong mọi cử hành Thánh Thể, mà trong đó Thiên Chúa làm cho chính Người hiện diện giữa dân Người, những người được mời gọi thực sự để tham dự và ơn cứu độ được hiện thực bởi việc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô (Bài giảng tại Santa Marta, 12/12/2013). Công đồng Vatican 2 mời gọi một sự tham dự hoàn toàn, năng động và ý thức của giáo dân trong Thánh Lễ. Giống như việc giới thiệu ngôn ngữ địa phương trong phụng vụ, âm nhạc là phương tiện để làm phong phú thêm cho việc tham dự này.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng ghi chú rằng “việc giới thiệu ngôn ngữ địa phương vào phụng vụ đã nẩy sinh nhiều vấn đề: về ngôn ngữ, hình thức và thể loại âm nhạc. Có lúc, tính hời hợt hoặc nông cạn và xáo ngữ đang chiếm ưu thế gây thiệt hại cho nét đẹp và xúc cảm của các cử hành phụng vụ” (Pope Francis, Address to Participants in the International Conference on Sacred Music, March 4, 2017).

Điều này cũng có thể ám chỉ rằng có những bản thánh ca ngoại quốc rất hay, mặc dầu đã được chuẩn y, nhưng khi dịch sang một ngôn ngữ khác điều này cũng chưa phải là đúng bởi vì âm điệu có thể thích hợp nhưng ngôn ngữ chuyển dịch chưa chắc đã diễn tả đúng gía trị thần học mà ngôn ngữ của bản nhạc nguyên thuỷ đó đã được chuẩn y.

Âm nhạc phụng vụ tốt phải hài hoà cả hai về thẩm mỹ và thần học đúng đắn. Thí dụ, bất cứ những bài hát nào ám chỉ đến Bí Tích Thánh Thể như là bánh và rượu sẽ không có chỗ đứng trong việc thờ phượng Công Giáo. Bí tích Thánh Thể là Mình và Máu của Chúa Giêsu và vì thế những bản nhạc chúng ta hát phải diễn tả thực thể mầu nhiệm này. Đây là một trong những lý do những bản thánh ca trong phụng vụ phải được đấng bản quyền chuẩn y trước khi được hát trong phụng vụ. Thế nhưng điều đáng lo là có những ca trưởng hay nhạc sĩ sáng tác nhạc “thánh ca” và tự động tập cho ca đoàn để hát trong thánh lễ không cần được chuẩn y bởi các đấng bản quyền. Khi làm điều này một cách vô tình họ tự nhận chính họ là những người có thẩm quyền để chuẩn y cho những tác phẩm của họ mà không cần phải qua đấng bản quyền.

Nâng tâm hồn lên Thiên Chúa trong phụng vụ luôn luôn vượt qua khỏi những ranh giới ngôn ngữ nhân loại. Vì thế, Phụng vụ, tự bản chất, mời gọi sự trợ giúp của âm nhạc và bài hát để ca tụng Thiên Chúa. Nếu âm nhạc thay đổi tuỳ theo nền văn hoá thì điều này cũng đúng với các dụng cụ âm nhạc. Trong phụng vụ, chúng ta có thể để hội nhập nhiều loại bài hát và dụng cụ âm nhạc trong một cách thức mà chúng nâng cao việc cử hành và dẫn chúng ta tập trung vào Thiên Chúa.

Khi nói đến dụng cụ âm nhạc được chơi trong phụng vụ, đại phong cầm giữ một vị trí chính yếu trong giáo hội Công giáo Latin giữa những dụng cụ âm nhạc khác. Không giống như những dụng cụ âm nhạc khác, đại phong cầm có thể diễn tả tình cảm con người, từ vui mừng đến buồn bã, từ ca tụng đến thương tiếc. Phát minh vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, đại phong cầm được đưa vào các nhà thờ vào thế kỷ thứ 10 sau công nguyên. Nó trở thành dụng cụ dành cho âm nhạc trong nhà thờ. Với âm điệu muôn vẻ của nó, đại phong cầm nhắc chúng ta về sự bao la của Thiên Chúa. Nó có khả năng giúp chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa Đấng đang ôm lấy chúng ta với tình yêu của Người, mang lại sự hài hoà và vui mừng trong cuộc sống chúng ta.

Âm nhạc có một vai trò quan trọng trong việc thờ phượng Thiên Chúa bởi vì là con người chúng ta có cả thể xác và linh hồn. Cầu nguyện phát xuất từ tận đáy tâm hồn chúng ta. Chỉ với lời nói thì chưa đủ để diễn tả tất cả những gì chúng ta muốn nói. Nhưng, âm nhạc có sức mạnh truyền đạt sứ điệp và tình cảm mà lời nói không thể làm được. Âm nhạc là chiếc cầu giữa thế giới vật chất và lĩnh vực tâm linh. Nó biến đổi con đường cuộc sống chúng ta vào con đường tâm linh. Âm nhạc đưa chúng ta ra khỏi chính mình và mở rộng để chúng ta đến với Thiên Chúa. Âm nhạc phụng vụ đích thực, vì thế, không bao giờ chỉ tập trung vào cá nhân. Phụng vụ không phải là những gì chúng ta thích nhưng, trước tiên và trên hết, là việc cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa và chúng ta bước vào những gì mà Chúa muốn dành cho chúng ta.

Có nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như Beethoven, Bach, Mozard và Brahams đã nhìn nhận rằng năng khiếu âm nhạc của họ không đủ để sáng tác một bản nhạc tốt. Họ cần sự cảm hứng thần linh. Chính Thiên Chúa yêu mến âm nhạc! Thánh vịnh là quyển thánh ca cầu nguyện. Âm nhạc đến từ Thiên Chúa, khi chúng ta tham dự trong đó, bằng việc sáng tác, trình diễn hoặc ngay cả chỉ lắng nghe, chúng ta nhận lấy quà tặng từ Thiên Chúa.

Trong Thánh lễ, có những lúc chúng ta có thể lắng nghe thánh ca và để tâm hồn vương lên trong việc ca tụng Thiên Chúa. Nhưng cũng có những lúc chúng ta phải tham gia vào việc ca hát. Giáo hội luôn khuyến khích chúng ta nên hát cộng đồng càng nhiều càng tốt trong phụng vụ. Không tham gia vào việc ca hát cộng đoàn cũng có nghĩa chúng ta tự giới hạn và giảm đi việc tham dự của chúng ta trong phụng vụ. Hát là cầu nguyện hai lần, vì thế ca đoàn, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ như bị giới hạn vì đại dịch, cũng nên giúp cộng đoàn tham dự năng động vào việc “cầu nguyện hai lần này.” Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêsô nói rằng chúng ta “hãy làm sao cho được no đầy Thần khí! Hãy đối đáp với nhau thánh vịnh, lời ca, lời vãn của Thần khí; xướng ca, tụng niệm kính Chúa hết lòng anh em” (Eph 5:18-19). Tóm lại âm nhạc trong phụng vụ là một sự diễn tả hoàn toàn của đức tin.