PHỤNG VỤ - MỤC VỤ | Hỏi Đáp
Dấu Thánh Giá (FX Nguyễn Văn Tuyết)
Một người hỏi rằng tại một trường Công giáo mà con của họ đang học, một số giáo viên đang làm dấu Thánh Giá và nói: "Nhân danh Cha, và Mẹ và Con và Chúa Thánh Thần." Có thể chấp nhận điều này không?

Khi nghe câu hỏi này, có lẽ ai cũng phải ngạc nhiên và không thể tin được điều này có thể xảy ra. Điều này có thể chấp nhận được không? Chắc chắn là không. Chúng ta phải nhớ lại từ đâu chúng ta nhận được Dấu Thánh Giá. Câu trả lời là từ chính Chúa Giêsu, khi sai các tông đồ đi rao giảng là rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19).

Từ ban đầu Giáo hội đã dùng công thức này trong các bí tích, trong thánh lễ và trong cầu nguyện cá nhân. Dấu Thánh Giá đã trở thành một phần của truyền thống sống động của Giáo hội.

Tertulllian, một nhà truyền giáo đã qua đời vào khoảng năm 225 viết, “trong các cuộc du hành và di chuyển của chúng tôi, trong việc đến và đi, trong việc mang giày, tắm rửa, tại bàn làm việc, thắp nến, nằm, ngồi, bất cứ những công việc gì chúng tôi làm, chúng tôi đều làm dấu trên trán với Dấu Thánh Giá.”
Những thực hành này mặc dầu không phải là luật có từ trong Kinh thánh nhưng được truyền thống truyền lại, phong tục xác nhận và được đức tin bảo quản” (De cor. Mil., 3).

Trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà chúng ta đọc với Dấu Thánh Giá, trong đó chỉ có Ba Ngôi, chứ không phải bốn. Cha, Con và Thánh Thần chứ không có Mẹ. Mẹ không phải là một ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Có lẽ những người đưa ra công thức được gọi là mới này muốn điểm ra rằng Chúa Cha bao hàm những đức tính của người mẹ. Điều này không có gì sai. Sách Giáo lý Công Giáo dạy, “sự dịu hiền cha mẹ của Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả bởi hình ảnh của người mẹ, nhấn mạnh đến tính nội tại của Thiên Chúa, sự thân mật giữa Đấng Sáng Tạo và tạo vật” (CCC 239).

Ý tưởng này cũng được mạc khải trong nhiều đoạn của Kinh Thánh. Trong lời tiên tri của Isaia, Thiên Chúa nói với dân Người, “Này Ta sẽ hướng bình an tới nó như sông cả, nguồn phú vinh các nước như thác lũ. Và các ngươi sẽ được bú mớm, được bế bên sườn và được nâng niu trên đầu gối, như một người được mẹ an ủi, Ta cũng vậy, Ta sẽ an ủi các ngươi, các ngươi sẽ được an ủi tại Giêrusalem” (Is 66:12- 13). Và một lần nữa, “Sion nói: ‘Yavê đã bỏ tôi, Ðức Chúa đã quên tôi.’ Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi!” (Is 49:15). Thánh vịnh cũng nói về việc con người được an ủi bởi Thiên Chúa giống như người con bởi mẹ của nó, “Không, hồn tôi, tôi đã ru êm dỗ nín, như nhũ tử trong lòng mẹ, như một nhũ tử, hồn tôi ở trong tôi!” (Tv 131:2). Tuy nhiên tất cả điều này không thể cho rằng rằng mẹ cũng là một ngôi vị Thiên Chúa để có thể đưa vào công thức tuyên xưng đức tin về Chúa Ba Ngôi mà chính Chúa Giêsu đã mạc khải.

Cách tốt nhất để hiểu điều này qua tam giác đều về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, với ba ngôi vị Cha, Con và Thánh Thần trên mỗi góc của tam giác đều (xem hình minh hoạ). Dọc theo các cạnh của tam giác là chữ “không phải” để nói rằng “Cha” không phải là “Con,” “Con” không phải là “Chúa Thánh Thần” và “Chúa Thánh Thần” không phải là Cha. Giữa hình tam giác là chữ “Thiên Chúa,” được nối kết với mỗi góc của tam giác với động từ “Là” để diễn tả rằng “Cha” là Thiên Chúa, “Con” là Thiên Chúa và “Chúa Thánh Thần” là Thiên Chúa.

Không nơi nào trên tam giác này dành cho một người được gọi là Mẹ, vì thế chúng ta có thể nói được rằng “Cha không phải là Mẹ,” Mẹ không phải là Con, và “Mẹ cũng không phải là Chúa Thánh Thần và vì thế Mẹ không bao giờ là một ngôi vị Thiên Chúa.

Trong khi “Cha” có những đức tính của một người mẹ, nhưng đức tính này không thể cấu tạo ra một người phân biệt từ “Cha,” được gọi là mẹ như là một ngôi vị Thiên Chúa.

Sách Giáo lý Công Giáo tổng họp điều này như sau, “các Kitô hữu được rửa tội “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Trong phần tuyên xưng đức tin trong Bí Tích Rửa Tội. Trước khi nhận lấy bí tích Rửa tội, chúng ta đáp trả ba câu hỏi như sau:
-Anh chị em có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?
-Anh chị em có tin Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết, và đang ngự bên hữu Chúa Cha không?
Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại, và sự sống vĩnh cửu không?

Và để xác tín đức tin chúng ta đáp: “Thưa tin.” Thánh Caesarius nói, “Đức tin Kitô hữu dựa trên nền tảng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi” (thánh Caesarius, Arles, Sermo 9, Exp.symb.; CCC 232).

Một vài năm trước đây, tại Mỹ có một số linh mục cấp tiến, thay vì dùng công thức “Cha rửa tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần,” đã dùng một công thức khác để rửa tội, “Nhân danh Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Thánh Hoá rửa tội cho con.” Điều này đã khiến cho toà thánh Vatican đưa ra thông báo rằng những ai đã được rửa tội theo công thức này là không thành sự và phải rửa tội lại. Năm ngoái một trường hợp khác cũng hi hữu không kém, khi hai linh mục ở Mỹ sau khi chịu chức linh mục đã phải được rửa tội lại vì hai vị này đã được một thầy phó tế rửa tội dùng công thức không đúng, thay vì nói “cha rửa tội cho con” thì vị phó tế này lại nói, “chúng tôi rửa tội cho con” với ý nghĩa rằng tất cả những người đang hiện diện cùng rửa tội cho em bé chứ không phải chỉ mình ông ta, là phó tế, đại diện Chúa Kitô, rửa tội cho em bé, và hậu quả là hai vị linh mục đó phải chịu phép rửa tội lại và sau đó giám mục truyền chức phó tế và linh mục lại cho vị linh mục đó vì bí tích rửa tội mà hai ngài nhận lấy khi mới sinh đã không thành sự. Trong phụng vụ các bí tích, mọi từ ngữ và cử chỉ đều có giá trị của nó, nhiều khi chỉ đổi một từ một cử chỉ trong phụng vụ chúng ta có thể thay đổi hiệu quả của bí tích và cũng có thể thay đổi cả tín lý đức tin và đặc biệt chúng ta phá bỏ sự duy nhất của Giáo hội một điều mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính.

Vì thế chúng ta có thể kết luận rằng chúng ta không thể thay đổi lời trong Dấu Thánh Giá, được mạc khải bởi chính Chúa Giêsu và Giáo hội đã dùng từ những ngày đầu. Cho nên nếu thay đổi chúng ta có thể đang làm xáo trộn với nền tảng đức tin của chúng ta.