PHỤNG VỤ - MỤC VỤ | Hỏi Đáp
"Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng cá nhân của đức tin." - FX Nguyễn Văn Tuyết
Dấu Thánh Giá có ý nghĩa gì trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt trong Thánh Lễ?

Mọi lời cầu nguyện của một tôn giáo đều giới thiệu và củng cố giáo lý đức tin. Lời cầu nguyện của Công Giáo giúp chúng ta bước vào các mầu nhiệm của đức tin. Dấu Thánh Giá biểu lộ mầu nhiệm đầu tiên và trung tâm của sự hiện hữu của chúng ta, “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.” Với lời cầu nguyện vắn gọn đó, chúng ta chấp nhận toàn thể đức tin Công Giáo.

“Chúa Cha” yêu thương “Chúa Con,” và “Chúa Con” yêu thương “Chúa Cha” với sự nối kết tình yêu của “Chúa Thánh Thần” trong sự tuyệt đối và hiệp nhất hoàn hảo. Và tình yêu tuyệt hảo trong Chúa Ba Ngôi nêu ra một câu hỏi cho chúng ta: Tại sao Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta?

Chúa không cần chúng ta, và cũng không cần cải thiện tình yêu của Người do việc tạo dựng nên chúng ta. Nhưng Người muốn chia sẻ tình yêu của Người trong sự Sáng Tạo. Mầu nhiệm về sự Sáng Tạo mạc khải sự rộng lượng và tình yêu vị tha của Thiên Chúa.

Cựu ước mạc khải một Thiên Chúa, đấng sáng tạo và Cha là yêu thương. Các Tin mừng mạc khải, Chúa Con, Ngôi Lời làm người, được sai vào thế gian để cứu chuộc chúng ta. Lễ Ngũ Tuần mạc khải Chúa Thánh Thần và khai mạc kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần. Với Dấu Thánh Giá, chúng ta làm chứng cho quyền năng của Thiên Chúa trong toàn thể lịch sử và niềm vui trong sự cứu chuộc của chúng ta.

Cầu nguyện đưa chúng ta vào cuộc sống bên trong của Chúa Ba Ngôi. Cầu nguyện nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Người và phục hồi lại chúng ta trong danh Thánh Người. Tình yêu hoàn hảo của Chúa Ba Ngôi không đóng khung lại trong chính nó bởi vì tình yêu này là một mầu nhiệm của vị tha và sáng tạo. Khi nhận biết Thiên Chúa của lịch sử, và trong đức tin, chúng ta bước vào cuộc sống bên trong của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng sai chúng ta vào thế giới để yêu thương với tình yêu vô vị lợi của Chúa Ba Ngôi. Lời thưa “Amen” sau dấu Thánh Giá là sự nhìn nhận súc tích và ngắn gọn nhất về mầu nhiệm này và sự nhìn nhận của chúng ta trong đức tin.

Dấu Thánh Giá là một biểu lộ đức tín và được củng cố trong Thánh Lễ. Chúng ta bắt đầu mỗi thánh Lễ với Dấu Thánh Giá. Lời thưa “Amen” nói lên sự nhìn nhận vững chắc của chúng ta trong đức tin. Lời nguyện Đầu Lễ dẫn nhập vào phụng vụ Lời Chúa. Để biểu lộ sự khiêm nhượng, chúng ta không cầu nguyện một cách trực tiếp với Chúa Cha nhưng cầu khẩn Chúa Giêsu như là Đấng Trung Gian Duy Nhất, “Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta” vào cuối mỗi lời nguyện. Phụng vụ Lời Chúa gia tăng thêm sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa được xác tín trong Kinh Tin Kính cùng với lời thưa “Amen.”

Thánh Lễ diễn tả mầu nhiệm Thánh Giá và Phục sinh của Chúa nhưng cũng còn nói lên sự Biến Hình của Chúa. Ngay trước khi Truyền phép, linh mục chủ tế đưa tay đặt trên bánh và rượu và cầu khẩn Chúa Thánh Thần với lời truyền phép, “Này là Mình Ta” và “Này là Máu Ta” đã biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu, Linh Hồn và Thần tính của Chúa Kitô. Trước và sau khi Truyền Phép, chúng ta cũng nhận ra sự đồng hành của Mẹ Maria và các thánh trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Trong Thánh Lễ, giống như trong biến cố Hiển Dung, chúng ta cùng tham dự với Chúa Giêsu trong cuộc nói chuyện cầu nguyện với Chúa Cha.

Lúc này đây, với Chúa Giêsu đang hiện diện tại Bàn thờ, nghi thức truyền phép được kết thúc với lời nguyện của sự Biến Hình, “Chính nhờ Người và với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần để muôn đời.” Lời nguyện này vang vọng lời cầu nguyện trong sách Khải Huyền, vui mừng trong sự hiệp thông mầu nhiệm với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: “Hallêluya! Vì Người đã làm vua, Chúa, Thiên Chúa toàn năng. Ta hãy vui mừng hoan hỉ, hãy chúc vinh Người!” (Kh 19:6-7).

Tiếp theo sự “Biến Hình” trong Nghi thức Truyền Phép, linh mục giới thiệu “Kinh Lạy Cha” với lời mời gọi, “Vâng lệnh Chúa Cứu Thể và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng.” Lời Kinh này được Chúa Giêsu dạy, được Chúa Thánh Thần củng cố, để chúng ta có thể đến thưa chuyện với Chúa Cha một cách trực tiếp theo lệnh truyền của Chúa Giêsu.

Bí tích Thánh Thể là nguồn và là chóp đỉnh của sự hiện hữu của chúng ta trong Chúa Ba Ngôi và sự nếm trước vinh quang thiên đàng. Với việc Rước Lễ, chúng ta nhận lấy Thân thể vinh quang Phục sinh của Chúa Giêsu. Lúc này tâm tình của chúng ta có thể giống như của ba thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan trong biến cố Hiển dung năm xưa, cũng kinh sợ và bối rối. Tại thời điểm này, chúng ta hãy dành một vài phút để cầu nguyện và hiệp thông với Đấng Hiện Diện trong tâm hồn. Đây là giây phút quan trọng của một sự tiếp xúc cá nhân từ tâm hồn chúng ta với Thánh Tâm của Chúa.

Và vì nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải xuống ngọn Núi của Sự Biến Hình và về lại với thế giới để thực hiện ý muốn của Chúa. “Lời Nguyện Hiệp Lễ” được kết thúc một lần nữa với lời khẩn cầu, “Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta,” nhắc rằng cho đến khi nhìn thấy Chúa diện đối diện trong viễn ảnh đẹp đẽ của thiên đàng, lời cầu nguyện của chúng ta cần Chúa Giêsu như là Đấng Trung Gian duy nhất giữa chúng ta với Chúa Cha.

Như vậy chúng ta có thể nhận ra rằng trong Thánh lễ, linh mục đại diện Chúa Kitô, qua Đấng Trung Gian Duy Nhất, là Chúa Giêsu dâng lời cầu nguyện trực tiếp với Chúa Cha chứ không qua một trung gian nào cả. Vì thế nếu một ai đó cho rằng linh mục dâng Thánh lễ phải qua một trung gian nào khác ngoài Chúa Giêsu là đi ngược với tín điều Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian duy nhất của Giáo hội. Là Kitô hữu chúng ta phải đề phòng và đừng để đức tin bị lung lạc vì những người hoặc những “chủ chăn giả” mạo nhận cho rằng họ cũng là người trung gian giữa con người với Thiên Chúa.

Thánh lễ được kết thúc giống như lúc khởi đầu, cũng cầu khẩn mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Phép lành cuối lễ “Xin Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần ban phép lành cho anh chị em,” biến đổi chúng ta, tái lập chúng ta trở lại với chân giá trị của chúng ta trong Chúa và chúng ta được sai đi như là những sứ giả đại diện của Chúa Kitô, với một đức tin được canh tân và một tinh thần mới mẻ.

Khi cầu nguyện Dấu Thánh Giá với lòng nhiệt thành, chúng ta bước vào cuộc sống bên trong của Cha, Con và Thánh Thần vì ơn cứu độ của chúng ta. Dấu Thánh Giá không phải là một ý tưởng nhưng là lời tuyên xưng cá nhân đức tin Công Giáo, chúng ta hãy trân trọng và bảo quản điều này.