THÔNG TIN | Tin Giáo Hội
Đức Hồng Y Giải Thích Cách mà Người Châu Phi Từ Chối Fiducia Supplican Đã Được Xử lý. (FX Nguyễn Văn Tuyết)
“Tuy nhiên, văn hóa của chúng tôi ở Châu Phi không như vậy. Đúng, chúng tôi có nhiều khuyết điểm, nhưng chúng tôi không thể bị chê trách vì đồng tính.”

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, chủ tịch Hội nghị các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM), gần đây đã kể lại từng bước về việc từ chối chúc phúc cho các cặp đồng tính đã được xử lý như thế nào ở lục địa Châu Phi và tại Vatican.

Trong một đoạn ghi âm cuộc phỏng vấn được đăng trên blog Công giáo giáo dân Pháp Le Salon Beige, Đức Hồng Y đã giải thích những gì đã xảy ra ở Châu Phi sau khi Bộ Giáo lý Đức Tin (DDF), do Đức Hồng Y người Argentina Víctor Manuel Fernández đứng đầu, công bố tuyên bố Fiducia Supplicans, cho phép chúc lành các cặp đồng tính và các đôi hôn nhân bất hợp lệ.

Những phản ứng tại Châu Phi.

Vào ngày 18.12.2023, khi chúng tôi nhận được công bố Fiducia Supplicans, được ký bởi vị bộ trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin và đồng ký bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, nó đã tạo ra một làn sóng chấn động tại Châu Phi. Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở cấp độ Giáo hội. Thêm vào đó, các giáo hội khác đã gọi và nói với chúng tôi: “Chúng tôi tin tưởng vào Giáo hội Công giáo sẽ phản đối hệ tư tưởng này. Giờ đây, ngài là người đầu tiên cho phép chúc lành các cặp đồng tính.”

Đức Hồng Y Ambongo than phiền, “Tất cả các bạn, tất cả các bạn, đau khổ về điều này. Rất nhiều. Mọi người đều đau khổ về điều này.”

Đức Hồng Y Ambongo, cũng là tổng giám mục của Kinshasa ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nói tiếp, “Nhiều phản ứng đã bắt đầu. Và với tất cả trách nhiệm, tôi đã viết thư cho tất cả các hội đồng giám mục ở Châu Phi và Madagascar.” Và “Các hội đồng giám mục đã trả lời. Tôi đã in tất cả những phản ứng từ tất cả các hội đồng giám mục. Tôi tổng hợp thành một tài liệu.”

Sau đó, ngài cho biết ngài đã viết một lá thư dài 7 trang cho Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ trong tư cách là chủ tịch Hội Nghị các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM) nhưng cũng là “cố vấn của Đức Thánh Cha, thành viên của hội đồng 9 hồng y đồng hành với Đức Thánh Cha cho việc cải tổ của Giáo hội.”


Sau đó ngài đến Rome để gặp Đức Thánh Cha, nói với các thư ký riêng của Đức Thánh Cha lý do tại sao ngài đến và trao cho Đức Thánh Cha tất cả tài liệu mà ngài đã thu thập: Những phản ứng của các hội đồng giám mục, tổng hợp, và lá thư riêng của ngài.”

Cùng ngày, Đức giáo hoàng đã tiếp kiến ngài. Ngài nói, “đức giáo hoàng rất buồn. Tôi phải nói rằng ngài là người đầu tiên đau khổ vì những phản ứng đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngài đau khổ vì điều đó bởi vì ngài cũng là một con người. Điều này không làm cho ngài hạnh phúc.”

Vị hồng y người Châu Phi nói tiếp, “tôi đạt được một sự thoả thuận với Đức giáo hoàng vì tôi nói với ngài rằng giải pháp đối với vấn đề này không còn là việc gởi cho chúng tôi những tài liệu với những định nghĩa thần học hoặc triết lý về chúc lành. Người dân không quan tâm về điều đó. Điều mà họ quan tâm hiện nay là một thông báo trấn an người dân tại Châu Phi, xoa dịu tinh thần các tín hữu. Và Đức giáo hoàng, với tư cách là một mục tử, đã được đánh động trước tình huống này.”

Làm việc với Đức Hồng Y Fernández.

Đức Thánh Cha đã cho phép ĐHY Ambongo liên lạc với Fernández, người đã đồng ý làm việc với ngài vào ngày hôm sau tại bộ Giáo lý Đức tin, “bộ quan trọng nhất theo quan điểm đức tin Công giáo”.

Đức hồng y Ambongo nói: “Với vị bộ trưởng bộ Giáo lý và Đức tin, tôi ngồi trước máy tính, như một thư ký đánh máy, chúng tôi chuẩn bị một tài liệu. “Và chúng tôi đã chuẩn bị tài liệu trong cuộc đối thoại và với sự đồng ý với Đức Thánh Cha Phanxicô, để bất cứ khi nào có câu hỏi nào chúng tôi cũng có thể gọi và hỏi ngài, để xem ngài có đồng ý với công thức đó hay không, v.v.”

Đức Hồng Y Ambongo nói, khi đã hoàn thành, tôi đã ký tên vào tài liệu với tư cách là chủ tịch Hội Nghị các hội đồng giám mục Phi Châu và thay mặt cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo ở Phi Châu. Và bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin cũng đã ký tên vào tài liệu đó. Tài liệu không được công bố công khai, nhưng được chúng tôi giữ trong thư viện lưu trử. Tài liệu có tựa đề ‘Không chúc lành các cặp đồng tính trong Giáo hội Công giáo.”

Đức Hồng Y xác nhận rằng, mặc dù văn bản có vẻ như đã được ký ở Accra, Ghana, trụ sở chính của SECAM, nhưng trên thực tế, ngài nói: “Tôi đã ký nó ở Rome”.

Ngài nhấn mạnh, “Điều này nhằm thể hiện quan điểm ngày nay của chúng tôi ở Châu Phi và chúng tôi thực hiện điều đó trên tinh thần hiệp thông, đồng nghị với Đức Thánh Cha Phanxicô và với vị đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin: Ở Châu Phi không có chỗ đứng cho việc chúc lành các cặp đồng tính. Không bao giờ.”

Vào ngày 11 tháng 1, SECAM đã đưa ra một tuyên bố dài năm trang nêu rõ: “Các Hội đồng Giám mục trên toàn Châu Phi, tái khẳng định một mạnh mẽ sự hiệp thông của họ với Đức Thánh Cha Phanxicô, tin rằng sự chúc lành ngoài phụng vụ được đề xuất trong tuyên bố Fiducia Supplicans không thể được thực hiện tại Châu Phi mà lại không vướng vào những sự tai tiếng.”

Những chúc lành cá nhân.

ĐHY Ambongo cũng nhấn mạnh rằng, mặc dầu Châu phi phản đối việc chúc lành các đôi đồng tính, nhưng cần “tôn trọng những người đồng tính bởi vì họ cũng là con người. Chúng ta không nhìn họ và coi thường họ. Họ là tạo vật của Thiên Chúa. Và như là tạo vật của Chúa, nếu một cá nhân đồng tính xin chúc lành, chúng ta chúc lành cho cá nhân đó. Chúng ta có thể chúc lành anh ta như một cá nhân.”

Sau khi lưu ý rằng tội phạm cũng có thể được chúc lành, Đức Hồng Y chỉ ra rằng những chúc lành này dành cho từng cá nhân được ban “với hy vọng rằng ân sủng của sự chúc lành có thể giúp họ biến đổi. Và nếu chúng ta chúc lành cho một người đồng tính, điều đó cũng nói rằng “khuynh hướng tình dục của bạn không phù hợp với ý muốn của Chúa và chúng tôi hy vọng rằng chúc lành có thể giúp bạn thay đổi vì đồng tính bị lên án trong Kinh thánh và huấn quyền của Giáo hội.”

Ngài nói, “chúng ta không thể là người cổ vũ cho sự lệch lạc tình dục. Hãy để họ làm điều đó tại nhà của họ, chứ không phải ở nhà chúng ta.”

Hôn nhân, gia đình tại Châu Phi Vs Tây phương.

ĐHY Ambongo cũng than phiền rằng hiện nay ở “Tây phương, vì không thích trẻ con nên họ muốn tấn công vào tế bào cơ bản của nhân loại, đó là gia đình. Nếu bạn hủy hoại gia đình, bạn sẽ hủy hoại xã hội.”

Đức Hồng Y than phiền rằng hiện nay ở Tây phương, ý nghĩa của hôn nhân cũng đã bị mất đi và văn hóa “đang suy thoái,” một điều cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ngài nói tiếp “Từ từ, chúng sẽ biến mất. Chúng sẽ biến mất. Chúng tôi cầu chúc cho họ một cái chết tốt đẹp.”

Đức Hồng Y cũng tố cáo hành động của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới, cùng những tổ chức khác, đã đặt điều kiện tài trợ của họ trên việc thúc đẩy hệ tư tưởng giới tính, vốn không thừa nhận sự khác biệt tự nhiên về giới tính giữa nam và nữ.

“Tuy nhiên, văn hóa của chúng tôi ở Châu Phi không như vậy. Đúng, chúng tôi có nhiều khuyết điểm, nhưng chúng tôi không thể bị chê trách vì đồng tính.” Ngài nói, “Bạn có thể tìm thấy những trường hợp cá biệt, giống như những trường hợp ở Uganda,” nhưng “xã hội không hoạt động theo cách đó. Thực hành đó không tồn tại giữa chúng tôi.”
(Nguồn CNA 22.1.2024)